SỐ LƯỢT TRUY CẬP

0
2
5
1
2
1
5

SỐ LƯỢT ĐANG ONLINE

0
0
0
0
0
0
2
Liên kết web
Việc thi hành pháp luật về xử lý đối với hành vi nhũng nhiễu trên địa bàn tỉnh

 

 

 

 

Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 quy định tại khoản 6 Điều 3 về hành vi nhũng nhiễu là “hành vi cửa quyền, hách dịch, đòi hỏi, gây khó khăn, phiền hà của người có chức vụ, quyền hạn trong khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ”. Khoản 1 Điều 83 Nghị định số 59/2019/NĐ-CP ngày 01/7/2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng (có hiệu lực thi hành từ ngày 15/8/2019) quy định xử lý đối với những hành vi nhũng nhiễu như sau:

a) Khiển trách đối với người lần đầu có hành vi nhũng nhiễu trong giải quyết công việc; sử dụng trái phép thông tin của cơ quan, tổ chức, đơn vị;

b) Cảnh cáo đối với người có hành vi nhũng nhiễu, người sử dụng trái phép thông tin của cơ quan, tổ chức, đơn vị mà đã bị xử lý bằng hình thức khiển trách; người tư vấn cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân khác trong nước và nước ngoài về công việc thuộc thẩm quyền giải quyết hoặc tham gia giải quyết;…”.

Tại địa phương, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 09/2017/QĐ-UBND 27/3/2017 quy định về chế độ báo cáo công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng trên địa bàn tỉnh Đắk Nông; Quyết định số 15/2017/QĐ-UBND ngày 18/7/2017 ban hành Quy định về công tác tiếp công dân trên địa bàn tỉnh Đắk Nông; Quyết định số 18/2018/QĐ-UBND ngày 24/8/2018 ban hành Quy chế phối hợp trong hoạt động Kiểm soát thủ tục hành chính; tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định hành chính, hành vi hành chính trên địa bàn tỉnh Đắk Nông.

Trên địa bàn tỉnh, trong thời gian qua, UBND tỉnh đã triển khai nhiều biện pháp nhằm hạn chế hành vi nhũng nhiễu, nhất là trong lĩnh vực thủ tục hành chính như: công bố thủ tục hành chính; niêm yết công khai, thực hiện tất cả các thủ tục hành chính tại Trung tâm hành chính công tỉnh; hàng năm tiến hành kiểm tra, rà soát và đơn giản hóa thủ tục hành chính (nhiều thủ tục hành chính đã được rà soát, cắt giảm thời gian thực hiện từ 20 - 50%, có thủ tục cắt giảm đến 75% so với quy định); tăng cường triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 và thông qua dịch vụ bưu chính công ích để tiếp nhận, giải quyết và trả kết quả (hạn chế việc tiếp xúc của người thực hiện thủ tục hành chính với cơ quan nhà nước – một trong những nguyên nhân cho các hành vi nhũng nhiễu). Về cải cách tổ chức bộ máy hành chính, tỉnh đã hoàn thành việc sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn bên trong của các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện đảm bảo hoạt động hiệu quả, hiệu lực theo Nghị quyết số 18-NQ/TW và Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ 6, Ban chấp hành Trung ương khóa XII.

- Tại  cơ quan đã niêm yết địa chỉ, số điện thoại nóng tiếp nhận phản ánh về hiện tượng nhũng nhiễu, gây phiền hà của cán bộ, công chức khi tiến hành thanh tra, kiểm tra hoặc việc các cơ quan, đơn vị tiến hành thanh tra chồng chéo, trùng lắp, không có trong chương trình kế hoạch thanh tra đã được phê duyệt hoặc chưa được sự đồng ý của cơ quan có thẩm quyền.

- Các văn bản quy phạm pháp luật, các quy định mới của Trung ương, địa phương được cập nhật, đăng tải kịp thời trên Cổng thông tin điện tử tỉnh, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tiếp cận, nắm bắt thông tin.

- Đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động cơ quan thông qua việc xử lý, trao đổi văn bản điện tử trên môi trường mạng (phần mềm văn phòng điện tử e-Office) và hộp thư công vụ của tỉnh góp phần đẩy nhanh tiến độ xử lý công việc và tiết kiệm chi phí văn phòng phẩm.

Tuy nhiên, công tác phát hiện, xử lý đối với hành vi nhũng nhiễu trên địa bàn tỉnh còn nhiều hạn chế như: Trình tự, thủ tục thực hiện một số thủ tục hành chính còn rườm rà, thiếu công khai, minh bạch, chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn tạo “cơ hội” cho hành vi nhũng nhiễu; cơ chế bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp còn chưa rõ ràng. Hành vi nhũng nhiễu ngày càng tinh vi, khó phát hiện do các đối tượng thực hiện thường có chức vụ, quyền hạn, có trình độ hiểu biết pháp luật, quan hệ rộng, liên kết với nhau.

Hạn chế trên xuất phát từ các nguyên nhân như do tập quán văn hoá Việt Nam nói chung và có rất nhiều điều kiện khiến cho tệ tham nhũng, mà biểu hiện tập trung nhất là nạn quà cáp hối lộ, có cơ sở tồn tại và phát triển. Chuyện biếu quà được coi là một nét văn hoá của người Việt Nam nhưng hiện nay đã và đang bị lợi dụng để thực hiện hành vi tham nhũng. Quá trình chuyển đổi cơ chế thị trường đòi hỏi phải có thời gian, vừa làm vừa rút kinh nghiệm để tiếp tục hoàn thiện. Cơ chế cũ bị thay thế nhưng nếp nghĩ, thói quen thì vẫn còn, các chuẩn mực đánh giá không rõ ràng. Trong khi đó, cơ chế mới hình thành còn sơ khai ngay trong nhận thức nên quá trình thực hiện không tránh khỏi lúng túng. Hoạt động của bộ máy nhà nước kém hiệu quả, chính sách pháp luật chưa đầy đủ, thiếu đồng bộ, thiếu nhất quán. Một số cơ quan, đơn vị, địa phương chưa quan tâm, chủ động giải quyết đơn thư tố cáo của công dân; chưa chủ động thực hiện kiểm tra nội bộ. Công tác thanh tra, kiểm tra công vụ đối với các cơ quan hành chính nhà nước chưa được tiến hành thường xuyên nên tình hình nhũng nhiễu, vòi vĩnh trong giải quyết công việc liên quan đến công dân và doanh nghiệp vẫn chưa được khắc phục triệt để. Một bộ phận cán bộ, công chức thiếu tu dưỡng rèn luyện, lợi dụng sơ hở trong quản lý, cơ chế, chính sách để thực hiện hành vi tham nhũng; lợi dụng nhiệm vụ được giao để nhũng nhiễu, vòi vĩnh; cố ý làm trái những quy định, quy trình công tác để vụ lợi.

Để nâng cao hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật về xử lý đối với hành vi nhũng nhiễu, cần quán triệt, thực hiện nghiêm túc các nghị quyết, chỉ thị của Đảng và Nhà nước về phòng, chống tham nhũng; Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018; và Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 22/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc. Thực hiện nghiêm túc quy định về tiếp nhận, giải quyết các phản ánh, kiến nghị của tổ chức, cá nhân về thủ tục hành chính. Thường xuyên thanh tra, kiểm tra công vụ trong việc thi hành kỷ luật, kỷ cương hành chính và văn hóa công sở tại các cơ quan, đơn vị. Kịp thời phát hiện và xử lý kỷ luật nghiêm cán bộ, công chức, viên chức, người lao động có hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực, vi phạm kỷ luật, kỷ cương hành chính. Kiên quyết thực hiện việc tinh giản biên chế, đưa ra khỏi bộ máy nhà nước những cán bộ, công chức, viên chức năng lực yếu, thiếu tinh thần trách nhiệm, không hoàn thành nhiệm vụ được giao. Nâng lương cơ bản đáp ứng được nhu cầu tối thiểu cho đối tượng là công chức, viên chức để cho các thành phần này yên tâm công tác, không còn quá lo lắng cho các nhu cầu thiết yếu hàng ngày, đảm bảo hạn chế tối đa việc vòi vĩnh, nhũng nhiễu đối với nhân dân và doanh nghiệp.


Bản in