CÔNG VIÊN ĐỊA CHẤT TOÀN CẦU UNESCO ĐẮK NÔNG: “XỨ SỞ CỦA NHỮNG ÂM ĐIỆU”
Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông có diện tích là 4.760 km, bao gồm các huyện Krông Nô, Cư Jút, Đắk Mil, Đắk Song Đắk Glong và thành phố Gia Nghĩa.
Lịch sử của vùng đất này bắt nguồn từ 140 triệu năm cách ngày nay, khi đây còn là một phần của đại dương rộng lớn với các dấu tích được tìm thấy như đã trầm tích, hóa thạch cúc đá và các loại hoá thạch khác. Do các vận động kiến tạo của lớp vỏ Trái đất, phần lục địa được nâng lên và xuất hiện núi lửa. Chính hoạt động phun trào của dung nham núi lửa đã làm cho một nửa diện tích khu vực này được bao phủ bởi các lớp bazan. Đáng ngạc nhiên là cách đây khoảng 10000 năm, núi lửa vẫn còn hoạt động tạo nên hang động núi lửa bazan độc đảo, đồ sộ nhất khu vực Đông Nam Á, trong đó đặc biệt đã phát hiện được dấu tích cư trú của người tiền sử trong hang động bazan cách ngày nay khoảng 6.000 – 7000 năm.
Đây cũng là vùng đất cư trú của 3 dân tộc bản địa: Mạ, Mnông, Ê-Đê. Khoảng cuối những năm 70 của thế kỷ trước, các dân tộc phía Bắc di cư đến tỉnh Đắk Nông để lập nghiệp, nơi đây trở thành vùng đất đa sắc màu văn hóa của hơn 40 dân tộc anh em. Bên cạnh đó, Đắk Nông còn là một phần của “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên" được tổ chức UNESCO công nhận là “Kiệt tác Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại" năm 2005. đến năm 2009 đổi tên thành “Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại".
Cũng tại vùng đất này đã phát hiện ra bộ đàn đá cổ được chế tác từ đá sừng cordierite có niên đại 3.000 năm - một trong những nhạc cụ lâu đời nhất của nhân loại. Trong âm thanh rộn ràng của cồng chiêng, sử thi và các nhạc cụ dân tộc, hòa cùng tiếng gió reo, thác đổ, tiếng cỏ cây hoa lá, tiếng núi lửa phun trào và cả những âm vang hào hùng của những bản tráng ca lịch sử, đàn đá nổi bật lên như là biểu tượng của sự kết tinh các âm điệu trong vùng Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông.
Hãy đến với Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Dak Nông — Xứ sở của những Âm điệu" để trải nghiệm "Trường ca của Lửa và Nước", + thưởng thức “Bản giao hưởng của Làn gió mới" và lắng nghe “Âm vang từ Trái Đất".
Bản in