Tuyên truyền hưởng ứng “Ngày thế giới phòng, chống mua bán người –30/7” và “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người –30/7”.
Ngày 30/7 hàng năm được chọn là “Ngày thế giới phòng, chống mua bán người”. Hàng năm, ngày 30/7 được lấy như một cột mốc để thế giới quan sát, nhìn nhận về tình hình mua bán người, qua đó nâng cao nhận thức về tình hình của các nạn nhân nhằm thúc đẩy và bảo vệ quyền của họ. Kế hoạch Hành động Toàn cầu chống lại nạn mua bán người được Liên Hiệp quốc thông qua ngày 30/7/2010 và tái khẳng định cam kết của các thành viên là “ngăn ngừa và phòng chống nạn mua bán người; bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân của nạn mua bán người; truy tố tội phạm mua bán người và thúc đẩy quan hệ đối tác nhằm tăng cường hợp tác giữa các quốc gia”.
Tội phạm mua bán người ở nước ta phần lớn đều do các đường dây có sự kết cấu chặt chẽ giữa các đối tượng trong nước và ngoài nước thực hiện. Tệ hơn, chính người trong gia đình cũng tham gia những đường dây phạm tội này để bán người thân ra nước ngoài. Qua nhiều lần tìm hiểu, điều tra, các nguyên nhân chính khiến gia tăng tình trạng mua bán người là do siêu lợi nhuận; mất cân bằng về giới; khó khăn về kinh tế, thất nghiệp, thiếu việc làm; xuất nhập cảnh chưa kiểm soát hiệu quả; mất cảnh giác, nhẹ dạ cả tin của người dân; công tác truyền thông, đấu tranh, trấn áp tội phạm mua bán người chưa đủ mạnh… Để hạn chế nhiều hệ luỵ mua bán người đáng tiếc từ những sự bất ổn nêu trên, ngày 10/5/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 793/QĐ-TTg lấy ngày 30/7 hàng năm là “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người” với mục tiêu huy động mọi nguồn lực, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia chủ động phòng ngừa, ngăn chặn, đẩy lùi tội phạm mua bán người trên phạm vi toàn quốc, thực hiện có hiệu quả công tác tiếp nhận, xác minh, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về hòa nhập với cộng đồng.
Để chủ động phòng, chống mua bán người, mọi công dân cần nêu cao tinh thần cảnh giác, đề phòng, tự bảo vệ mình và người thân:
- Hãy cảnh giác trước những mối quan hệ qua mạng xã hội, những hứa hẹn, dụ dỗ tìm việc làm có thu nhập cao.
- Từ chối mọi sự giúp đỡ về tiền bạc, lợi ích vật chất của người khác, nhất là từ người lạ mới quen biết.
- Hãy tuyên truyền cho người thân, bạn bè trong cộng đồng người Việt Nam biết và cảnh giác trước những thủ đoạn của tội phạm mua bán người: hứa hẹn giới thiệu việc làm nhàn hạ, thu nhập cao để lừa bán ra nước ngoài nhằm cưỡng bức lao động; hứa hẹn giúp đỡ những phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn nhằm mục đích lừa bán ra nước ngoài để cưỡng ép kết hôn, bóc lột tình dục; sinh con ở nước ngoài rồi bán trẻ sơ sinh hoặc trẻ còn trong bào thai cho người bản địa …
- Hiểu rõ hậu quả của việc mua bán người: bị bóc lột sức lao động, bị hành hạ, đánh đập tàn nhẫn; bị bóc lột tình dục; có nguy cơ mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục (HIV/AIDS…); bị sang chấn tâm lý (lo sợ, mặc cảm …)…
Bản in