Khởi nghĩa N’Trang Lơng
N’Trang Lơng cùng các thủ lĩnh xây dựng căn cứ địa kháng chiến tại thung lũng rừng già Bu Siết (B Jeng Kiet hay Bu Jang Chet), giáp ranh với Bu N’Dung ở thượng nguồn suối Buk So thuộc núi Nâm Nung. Dưới sự chỉ huy trực tiếp của N’Trang Lơng, nghĩa quân xây dựng lán trại, kho lương, nhà chứa vũ khí, đào hầm, cắm chông gài bẫy xung quanh căn cứ. Mục tiêu của nghĩa quân là đánh đuổi quân Pháp ra khỏi Cao nguyên M’nông, rồi tiếp tục giải phóng Kratie, buôn Đôn và toàn bộ Tây Nguyên.
Sau quá trình N’Trang Lơng và nghĩa quân hình thành, vận động, tập hợp lực lượng, tích trữ lương thảo và xây dựng các căn cứ, lực lượng. Đến đầu năm 1912, N’Trang Lơng quyết định mở cuộc tấn công đồn Pu Sra[1]. Đây là trận đánh đầu tiên đánh dấu sự khởi phát của phong trào khởi nghĩa do N’Trang Lơng lãnh đạo. Dưới sự chỉ huy trực tiếp của N'Trang Lơng, khoảng 150 đến 170 nghĩa quân đã tiến hành đánh đồn Pu Sra, tiêu diệt hoàn toàn quân Pháp trong đồn. Trận đánh đầu tiên này đã làm nức lòng dân chúng và tên tuổi thủ lĩnh N'Trang Lơng vang dội khắp Tây Nguyên. Sau khi bị thất bại, quân Pháp trở lại trả thù nghĩa quân N'Trang Lơng. Trước hành động dã man của thực dân Pháp, nghĩa quân N'Trang Lơng đã rút vào rừng sâu để bảo toàn lực lượng. Trên Cao nguyên M’nông, thực dân Pháp xây dựng đồn Bu Mêra với hai trung đội lính khố xanh do Hăngri Mét trực tiếp chỉ huy. Đây là đồn bót lớn nhất của thực dân Pháp trên cao nguyên M’nông và là căn cứ xuất phát của các cuộc hành quân khủng bố trong hai năm (1912 -1913).
Ngày 30-7-1914. N'Trang Lơng và các thủ lĩnh nghĩa quân đã lập mưu, lừa địch bằng cách dựng Lễ “kết minh” hay Lễ “trá hàng” nhằm tiêu diệt tên chỉ huy và binh lính của địch. Khoảng 8 giờ ngày 30-7-1914, một Lễ “kết minh” được tổ chức có Hăngri Mét tham dự. Nghĩa quân đã giết chết tên này tại bon Bu Nơr. Ngày 31-7-1914, N'Trang Lơng cùng nghĩa quân cải trang thành lính Pháp đột nhập tiêu diệt đồn Bu Mêra, đốt trụi đồn địch, tên đồn trưởng Y Linh và 6 tên lính bị tiêu diệt. Sau chiến thắng Bu Nơr, Bu Mêra, uy tín và ảnh hưởng của nghĩa quân lan rộng khắp vùng đất Tây Nguyên và miền rừng núi Đông Nam Bộ, hầu hết đồng bào M’nông, S’tiêng đều nguyện đi theo nghĩa quân N'Trang Lơng.
Bước vào mùa khô 1914 - 1915, thực dân Pháp chủ trương mở một cuộc hành quân càn quét xuyên suốt cao nguyên M'nông từ Tây xuống Đông, một mặt để tìm diệt N’Trang Lơng và nghĩa quân của ông; mặt khác để thăm dò khả năng đặt lại sự có mặt của chính quyền Pháp một mức nào đó trên cao nguyên. Tên Truphô xuất phát từ Xrây Chis đầu tháng 1-1915, nhằm hướng sông Đắk Ghbar (Tioba, gọi theo tiếng Khơme). Nghĩa quân do N’Trang Lơng trực tiếp chỉ huy bí mật theo dõi, bám sát địch và nhiều lần đã đánh quấy rối chúng dọc đường. Đến chiều 14-1-1915, Truphô dừng chân trú quân trong một khe núi thuộc làng Bu Tiên, ở phía Đông Bắc Xrây Chis, cách Krochiê khoảng 60km về phía Đông. Sau một đêm bao vây và phục kích toàn khu vực trú quân của địch, sáng sớm ngày 15-1-1915, nghĩa quân từ các phía trườn theo sườn núi đổ xuống đánh ập vào lều giết tên Truphô và Macgăng, tiêu diệt toàn bộ bọn lính, thu toàn bộ vũ khí và quân trang, quân dụng. Trong trận Bu Tiên, nghĩa quân đã thu được 4 voi. Đây là một trận tiêu diệt hoàn toàn thắng lợi nữa của nghĩa quân N’Trang Lơng.
Từ 1916 - 1927, đây là giai đoạn kéo dài nhất của cuộc khởi nghĩa, giai đoạn chiến đấu bảo vệ và phát triển thắng lợi, mở rộng địa bàn khởi nghĩa. Trong giai đoạn này, dù tên công sứ Đắk Lắk - Sabachiê (Sabatier) cho quân tiến hành nhiều đợt tuần tiễu, song cơ bản vùng M’nông vẫn thuộc vùng kiểm soát của nghĩa quân nên cuộc khởi nghĩa không có hoạt động lớn. N’Trang Lơng trở về với gia đình ở buôn Bu Rlơm, tổ chức cho nghĩa quân về tham gia sản xuất, tích lũy quân lương và chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu, giữ vững vùng giải phóng, thực hiện “ngụ binh ư nông”. Cuộc đấu tranh giai đoạn này chủ yếu là chống thâm nhập, chống bao vây kinh tế, nhất là việc cấm vận về muối, chống sự dao động chạy ra hàng địch của một số tù trưởng, giữ vững vùng giải phóng.
Cùng thời gian này, ở nhiều nơi thuộc Đắk Lắk cũng có nhiều cuộc đấu tranh hưởng ứng khởi nghĩa N’Trang Lơng. Tiêu biểu là năm 1925 - 1926, có cuộc đấu tranh của công chức, nhân dân thị xã Buôn Ma Thuột, do hai thầy giáo người Ê Đê là Y Út Niê và Y Jut H’ưinh lãnh đạo, chống sưu cao thuế nặng và chính sách đàn áp trắng trợn của thực dân Pháp, lên án tên công sứ tàn ác Sabachiê (Sabatier). Trước sức mạnh đấu tranh của phong trào, thực dân Pháp đã phải đổi tên này đi nơi khác[2].
Giai đoạn từ 1928 - 1936, là giai đoạn tiếp tục các cuộc chiến đấu quyết liệt chống các cuộc hành quân càn quét trên quy mô lớn của quân Pháp rắp tâm bình định Tây Nguyên, làm đường chiến lược số 14 nối Tây Nguyên với Đông Nam bộ. Để đối phó với các cuộc hành quân càn quét lớn của địch, nhân dân M’nông đã thực hiện “vườn không nhà trống”, dời làng vào rừng. Nghĩa quân đã tập kích bọn lính khố xanh bảo vệ đường 14, quấy phá kế hoạch cướp đất, đuổi dân, làm đường quốc lộ của Pháp. Trong đó, trận đánh ở gần Sreykhtum năm 1931, đã giết chết tên chỉ huy Gát ti (Gatille) của quân Pháp([3]).
- Từ 1928 đến giữa mùa khô 1930 - 1931, thời kỳ thực dân Pháp mở đầu lấn chiếm cao nguyên M’nông bằng phương pháp hòa bình, âm mưu đó của thực dân Pháp đã bị N'Trang Lơng kết thúc bằng trận đánh tiêu diệt tên đại úy Xnul tháng 1-1931.
- Từ giữa mùa khô 1931-1932 đến giữa mùa khô 1933-1934, bọn thực dân Pháp chóp bu ở Đông Dương ra tay trực tiếp cầm quân, ba xứ Nam Kỳ, Trung Kỳ, Cao Miên phối hợp ra quân liên tục càn đi quét lại cao nguyên M'nông, nhưng cuối cùng đã thất bại; đánh dấu sự thất bại này là hai trận đánh phối hợp của nghĩa quân N'Trang Lơng và nghĩa quân S’tiêng hai ngày đầu tháng 1-1934. Cuộc phản kích đầu tiên của nghĩa quân N'Trang Lơng nổ ra giữa mùa khô 1932-1933 với lực lượng hàng mấy trăm quân đánh vào đồn Gati, cứ điểm vệ tinh lớn của đồn đại lý Lơ Rôlăng, cắm tại cây số 65 đoạn đường 14 trên đất Cao Miên.
Mùa khô 1933-1934, bắt đầu với một phong trào dấp rừng, rào làng rầm rộ trên khắp cao nguyên M'nông. Tiếp theo đó, từ tháng 10-1933 trở đi là những trận đánh đồn liên tiếp của nghĩa quân M'nông và S’tiêng ở Nam kỳ và ở Cao Miên.
- Từ giữa mùa khô 1934-1935 đến giữa mùa khô 1935-1936, thực dân Pháp tăng cường lực lượng, thống nhất chỉ huy ba xứ, liên tục vây quét khu vực đầu não của phong trào kháng chiến, đây cũng là thời kỳ N'Trang Lơng và các bạn chiến đấu của ông liên tục tiến công địch “quyết tâm bằng mọi giá đánh đuổi Pháp một lần nữa ra khỏi cao nguyên”. Đầu tháng 1-1934, hai trận đánh nổ ra liền nhau như hưởng ứng lẫn nhau: trận ngày 1-1 đánh vào đồn Lơ Rôlăng do chính N'Trang Lơng chỉ huy, và trận ngày 2-1 đánh vào đồn Bu Koh của nghĩa quân M'nông - S’tiêng vùng khuỷu sông Đồng Nai. Tham gia trận đánh đồn Lơ Rôlăng có tới 500 nghĩa quân của khoảng 50 làng thuộc nhóm M’nông: Biêt, Rơhong, Bu Nor và Nông liên minh với N'Trang Lơng trong mùa mưa vừa qua. Một bộ phận nghĩa quân khi kéo đến địa điểm tập kết ở Bu Krak đã bị địch phát hiện. Địch ở Lơ Rôlăng, vì vậy, một mặt đã kịp thời tăng viện bố phòng kiên cố, mặt khác đã mở một cuộc hành quân đánh đón đường. Một bộ phận của nghĩa quân, cũng đã lọt được vào đồn và xung phong mãnh liệt, nhưng rốt cuộc bị hỏa lực của địch quét mạnh nên nửa chừng phải bỏ dở cuộc tấn công.
Cuộc tấn công của nghĩa quân vào đồn Đêhay (ngày 04-3-1935) tiêu diệt phần lớn binh lính Pháp và tên đồn trưởng, đã làm kinh động đến bọn cầm quyền Pháp trong khu vực Tây Nguyên.
Sau các trận tập kích của nghĩa quân, thực dân Pháp tăng cường đàn áp phong trào đấu tranh của đồng bào Tây Nguyên, trong đó đặc biệt là phong trào của nghĩa quân N'Trang Lơng. Tuy nhiên, lực lượng nghĩa quân vẫn tăng nhanh từ cuối tháng 3 sang tháng 4-1935, N'Trang Lơng chỉ huy tấn công liên tiếp quân Pháp. Từ đầu tháng 5-1935, quân Pháp tập trung lực lượng, truy lùng nghĩa quân N'Trang Lơng. N’Xing R'Ding - một vị chỉ huy đầy mưu lược và là cánh tay đắc lực nhất của N'Trang Lơng bị sa vào tay giặc. Lương thực, thực phẩm, vũ khí và thuốc men của nghĩa quân tại vùng căn cứ Nâm Nung thiếu thốn nghiêm trọng. Đến đầu mùa mưa năm 1935, trong một trận chiến đấu không cân sức, thủ lĩnh N'Trang Lơng bị trọng thương, cùng một số thủ lĩnh khác rơi vào tay giặc. Ông mất vào ngày 23-5-1935 tại Bu Par. Sau khi N’Trang Lơng mất, nghĩa quân vẫn tiếp tục chiến đấu cho đến năm 1936 phong trào đấu tranh của nghĩa quân chấm dứt.
Ý nghĩa lịch sử
Khởi nghĩa N’Trang Lơng là cuộc khởi nghĩa có phạm vi rộng nhất và mức độ quyết liệt nhất trên địa bàn Tây Nguyên kể từ khi thực dân Pháp xâm chiếm đến thời điểm đó. Tuy thất bại nhưng khởi nghĩa có ý nghĩa lịch sử sâu sắc đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước của Nhân dân ta:
- Phong trào khởi nghĩa N'Trang Lơng đóng vai trò là ngọn cờ đầu chống Pháp tiêu biểu cho truyền thống bất khuất chống xâm lược của các dân tộc miền Sơn Nguyên Nam Đông Dương.
- Phong trào khởi nghĩa N'Trang Lơng, đã thể hiện rõ tinh thần chiến đấu kiên cường, anh dũng của N’Trang Lơng và nghĩa quân. Trong suốt gần 25 năm đấu tranh, bất kể hoàn cảnh chiến đấu khó khăn, nguy hiểm như thế nào, N’Trang Lơng và nghĩa quân luôn nêu cao tinh thần quyết chiến quyết thắng, ý chí sắt đá không sợ hy sinh gian khổ, không đầu hàng thỏa hiệp, dù lực lượng của kẻ thù hùng hậu đến mức nào. Tinh thần chiến đấu kiên cường, anh dũng của N'Trang Lơng là nhân tố hàng đầu đã làm nên các chiến công oanh liệt của phong trào chống Pháp; xứng đáng là ngọn cờ chống Pháp tiêu biểu của dân tộc ông cũng như của các dân tộc khác trên miền Sơn Nguyên Nam Đông Dương.
- Phong trào khởi nghĩa N'Trang Lơng thể hiện tinh thần đoàn kết, liên minh chiến đấu giữa hai nước Việt Nam và Campuchia trong thời kỳ lịch sử đấu tranh chống thực dân Pháp xâm lược, giải phóng dân tộc, giành độc lập tự do cho quê hương. Cuộc khởi nghĩa N’Trang Lơng đã xây dựng được một mặt trận đoàn kết chiến đấu chung giữa cộng đồng người M’nông và người Stiêng; lôi cuốn cả một bộ phận người Mạ ở trung lưu sông Đồng Nai và một bộ phận người Campuchia. Đối diện với quân xâm lược nhà nghề, nắm trong tay nhiều vũ khí hiện đại, nhưng N’Trang Lơng và nghĩa quân của mình vẫn bám chắc vào rừng núi, tìm mọi cách xây dựng và phát triển lực lượng trong suốt 1/4 thế kỷ.
- Mặc dù bị thất bại, song phong trào khởi nghĩa N’Trang Lơng đã góp phần ngăn chặn bước chân xâm lược, bình định của thực dân Pháp ở Sơn Nguyên Nam Đông Dương; cổ vũ mạnh mẽ nhân dân các dân tộc trên địa bàn Tây Nguyên đứng lên chống xâm lược, bảo vệ độc lập dân tộc.
- Đây là một trong những phong trào khởi nghĩa có ý nghĩa vô cùng to lớn không chỉ đối với Đắk Nông, với Việt Nam, mà còn mang tầm quốc tế. Sự nghiệp tên tuổi N'Trang Lơng và phong trào khởi nghĩa do ông lãnh đạo mãi mãi sống cùng non sông đất nước.
[1] Pu Sra là một làng M'nông nằm trong lưu vực của Đăk Toi một chi lưu của Đăk Pur, cách Krôchiê 12 ngày đường và cách Buôn Ma Thuột 5 ngày đường. Hăngri Mét cầm đầu Phái bộ khảo sát - hành chánh Đông Cao Miên đến đây lần đầu tiên vào ngày 27-3-1909. Bắt đầu từ tháng 4-1909, ở đây dần dần mọc lên các đồn bốt dùng làm bàn đạp cho các cuộc hành quân ngang dọc của Hăngri Mét khắp vùng sơn nguyên Nam Đông Dương từ tháng 4-1909 đến tháng 5-1911. Đây đồng thời cũng là lỵ sở hành chánh đầu tiên của chính quyền thực dân Pháp trên cao nguyên M'nông do Hăngri Mét dựng lên và nắm quyền điều khiển. Từ tháng 9-1910, Pu Sra được lập thành một hạt đại lý trực thuộc tỉnh Krôchiê.
[2] Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Đắk Lắk, Đắk Lắk 30 năm chiến tranh giải phóng, tập 1 (1945-0954, 1991, tr29-30.
[3] Ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng, Tỉnh uỷ Đắk Lắk, Lịch sử Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk, sơ thảo, tập 1, 1983, tr36
Bản in