SỐ LƯỢT TRUY CẬP

0
2
5
1
2
1
5

SỐ LƯỢT ĐANG ONLINE

0
0
0
0
0
0
2
Liên kết web
Hội nghị thẩm tra sơ bộ Dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi)

Chiều ngày 6/3, tại Hà Nội, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đã tổ chức Hội nghị Thường trực Ủy ban mở rộng để thẩm tra sơ bộ dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi). Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Nguyễn Thị Lệ Thủy và Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành chủ trì Hội nghị.

Tham dự Hội nghị còn có Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Tạ Đình Thi cùng đại diện Hội đồng Dân tộc và một số Ủy ban của Quốc hội cùng các Bộ, ngành liên quan.


Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy phát biểu tại Hội nghị.

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành cho biết, Luật Tài nguyên nước năm 2012 đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 3 thông qua ngày 21/6/2012, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2013 đến nay. 
 

Trên cơ sở các quy định của Luật, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành, các cấp chính quyền địa phương đã ban hành nhiều văn bản quy định chi tiết thi hành Luật; các Bộ, ban, ngành, các cấp chính quyền địa phương tích cực triển khai thi hành Luật, các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành. Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành hoặc Bộ ban hành theo thẩm quyền 68 văn bản để quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành và triển khai Luật, trong đó có 13 Nghị định (5 Nghị định sửa đổi, bổ sung), 20 Quyết định của Thủ tướng và 35 Thông tư. Tại các địa phương, theo số liệu báo cáo 63 tỉnh, đã ban hành 445 văn bản hướng dẫn, thi hành Luật Tài nguyên nước và các quy định của Nghị định. Đến nay, về cơ bản các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực tài nguyên nước đã được hoàn chỉnh, tạo hành lang pháp lý cho công tác quản lý nhà nước về tài nguyên nước.



Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành phát biểu.
 

Về điều tra cơ bản tài nguyên nước, trong thời gian vừa qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành được danh mục lưu vực sông liên tỉnh; danh mục lưu vực sông nội tỉnh; danh mục nguồn nước liên tỉnh, danh mục nguồn nước liên quốc gia (nguồn nước mặt); 06 địa phương ban hành danh mục dòng chảy tối thiểu trên sông suối nội tỉnh theo thẩm quyền; Bộ đã công bố dòng chảy tối thiểu ở hạ lưu các hồ chứa, đập dâng của các công trình thủy lợi, thủy điện đối với 642 hồ chứa, đập dâng của 582 công trình thủy lợi, thủy điện; việc tổng kiểm kê tài nguyên nước quốc gia cũng đang được tiến hành theo Quyết định 1383/QĐ-TTg ngày 04 tháng 8 năm 2021 của Thủ tướng Chỉnh phủ về phê duyệt Đề án tổng kiểm kê tài nguyên nước quốc gia, giai đoạn đến năm 2025; việc xây dựng mạng quan trắc tài nguyên nước đang thực hiện theo Quy hoạch mạng lưới trạm quan trắc tài nguyên và môi trường quốc gia giai đoạn 2016-2025, tầm nhìn đến năm 2030, đến nay đã đầu tư xây dựng và đưa vào vận hành 23 trạm tài nguyên nước mặt độc lập, 23 trạm thủy văn lồng ghép trạm tài nguyên nước mặt ở 11 lưu vực sông liên tỉnh và một số kết quả khác trong hoạt động điều tra cơ bản tài nguyên nước đang thực hiện ở Trung ương và địa phương.
 

Ngoài ra, việc quản lý, giám sát hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước được tăng cường, đẩy mạnh, trong đó đã và đang xây dựng, hoàn thiện hệ thống quan trắc giám sát tự động, trực tuyến phục vụ ra quyết định và quản lý ở Trung ương và địa phương. Phần lớn các đơn vị khai thác, sử dụng nước đã lắp đặt thiết bị, camera giám sát, truyền thông tin, dữ liệu về hệ thống giám sát. Đây là nền tảng quan trọng trong công cuộc chuyển đổi số cũng như vận hành hế thống thông tin, cơ ở dữ liệu tài nguyên nước quốc gia.
 

Qua hơn 10 năm thực hiện, Luật Tài nguyên nước năm 2012 đã góp phần tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức, hành động của toàn xã hội về bảo vệ, khai thác sử dụng tài nguyên nước; tài nguyên nước được quản lý, sử dụng hiệu quả, bền vững hơn, mang lại nguồn thu cho ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên, trong điều kiện biến đổi khí hậu, 60% lượng nước được hình thành ở bên ngoài lãnh thổ, chất lượng tài nguyên nước suy giảm đặt ra nhiều thách thức lớn. Nhiều chủ trương mới về quản lý tài nguyên và yêu cầu thực tiễn về bảo vệ, phục hồi để bảo đảm an ninh nguồn nước quốc gia. Thực tế đó đòi hỏi pháp luật về tài nguyên nước và một số Luật liên quan đến quản lý, bảo vệ tài nguyên nước cần thiết phải sớm được cập nhật, sửa đổi, bổ sung, bảo đảm tính thống nhất, toàn diện.


Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Đoàn Thị Thanh Mai đề cập về sự thống nhất của Luật Tài nguyên nước với các luật khác.

 


Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp Nguyễn Công Long nêu quan điểm về quy chế ưu đãi, hỗ trợ bảo vệ môi trường. 

 

Tại Hội nghị, các đại biểu đã phát biểu, đóng góp ý kiến thẩm tra sơ bộ về sự cần thiết của việc ban hành Luật tài nguyên nước (sửa đổi); thành phần hồ sơ và thời hạn gửi hồ sơ; tính hợp hiến, tính hợp pháp, tính thống nhất với hệ thống pháp luật và tính tương thích với các điều ước quốc tế; tính khả thi của Dự thảo Luật;…

Theo đó, các đại biểu cũng tán thành với sự cần thiết ban hành Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) với những lý do như đã nêu trong Tờ trình số 37/TTr-CP ngày 17/02/2023 của Chính phủ kèm theo dự thảo Luật và các tài liệu liên quan, đồng thời nhấn mạnh việc ban hành Luật còn nhằm thể chế hóa quan điểm, định hướng mới của Đảng và Nhà nước ta về bảo vệ môi trường, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, thích ứng với biến đổi khí hậu đã nêu trong Nghị quyết số 24-NQ/TW của Hội nghị TW 7 khóa XI, Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; thể chế các mục tiêu, nhiệm vụ nêu trong các nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bằng sộng Cửu Long, vùng Tây nguyên, vùng đồng bằng Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung, góp phần bảo đảm an ninh nguồn nước; phòng chống ô nhiễm nước và phục hồi các nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt; đổi mới và hoàn thiện hành lang pháp lý về quản lý tài nguyên nước để khai thác, sử dụng hiệu quả tài nguyên; quản trị nước; đẩy mạnh xã hội hoá ngành nước và áp dụng các công cụ kinh tế trong quản lý tài nguyên nước. 

Cùng với đó, thành phần hồ sơ và thời hạn gửi hồ sơ dự án Luật đã tuân thủ theo nghiêm túc quy định tại khoản 1 Điều 64 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; hồ sơ dự án Luật được chuẩn bị khá công phu, bảo đảm chất lượng. Nhìn chung, dự án Luật đã đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, phù hợp với Hiến pháp 2013, đã thể chế tương đối đầy đủ chủ trương, đường lối đổi mới của Đảng và nhà nước về quản lý tài nguyên nước và tương thích với các điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc tham gia.

Về tính khả thi của dự án, các đại biểu cũng đánh giá, Dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) được xây dựng trên cơ sở kế thừa các quy định của Luật Tài nguyên nước (1998), Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) 2012; việc sửa đổi trên cơ sở tổng kết thi hành Luật Tài nguyên nước và đánh giá, rà soát thực tiễn thực thi các Luật có liên quan nên về cơ bản, các quy định của Luật đảm bảo tính khả thi. Tuy nhiên, để tiếp tục hoàn thiện, một số đại biểu cũng đề nghị Ban soạn thảo cũng cần rà soát kỹ về các quy định trong một số điều khoản như: Lấy ý kiến cộng đồng dân cư trong khai thác sử dụng nước tại Điều 8; quy định về cấm lấp sông, suối, kênh rạch tại Điều 12; quy định tại khoản 3 Điều 27 về các hoạt động hành lang bảo vệ nguồn nước khó khả thi.



Đại diện Bộ Tài chính cho ý kiến về việc tính thuế đối với các loại nước.

Một số quy định còn chưa chặt chẽ, rõ ràng như quy định về khả năng chịu tải của nguồn nước, dòng chảy tối thiểu của sông, suối, hạ du hồ chứa nước trong điều kiện diễn biến bất thường về thiên tai, biến đổi khí hậu cũng cần được xem xét, quy định hợp lý để hài hòa giữa lợi ích của cộng đồng với lợi ích của tổ chức/doanh nghiệp khai thác, sử dụng nước.; quản lý tài nguyên nước q Quy định về xây dựng kịch bản tài nguyên nước tại khoản 3, 4 Điều 39; quy định về vận hành hồ chứa nước theo thời gian thực và trách nhiệm đóng góp kinh phí hỗ trợ hệ thống hỗ trợ ra quyết định điều tiết, vận hành liên hồ chứa tại khoản 4 Điều 42; việc thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước cho mục đích nông nghiệp tại khoản 2 Điều 87;…
 

Đóng góp ý kiến cụ thể đối phạm vi điều chỉnh của Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), nhiều ý kiến Hội nghị thẩm tra tán thành với phạm vi điều chỉnh của dự án Luật để quản lý toàn diện các hoạt động liên quan đến tài nguyên nước. Với phạm vi điều chỉnh như vậy thì tên gọi của Luật là Luật Tài nguyên nước là phù hợp để thúc đẩy nâng cao nhận thức “nước” là tài nguyên, hữu hạn, cần phải quản lý, bảo vệ, khai thác sử dụng hiệu quả.



Đại diện Bộ Xây dựng phát biểu.
 

Về nguyên tắc quản lý, bảo vệ, phát triển, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, phòng, chống và khắc phục hậu quả do nước gây ra (Điều 5), các đại biểu cũng cơ bản nhất trí với các nội dung về nguyên tắc quản lý, bảo vệ, phát triển, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, phòng, chống và khắc phục hậu quả do nước gây ra. Tuy nhiên, cơ quan chủ trì soạn thảo cần rà soát thể hiện sắc nét hơn quan điểm quản lý tổng thể, thống nhất tài nguyên nước, thuận theo tự nhiên nhưng có kiểm soát (theo lưu vực sông, theo trữ lượng, số lượng nước, có điều hòa, phân phối); phân định rõ trách nhiệm quản lý tài nguyên nước chung với quản lý công trình khai thác, sử dụng nước của các bộ chuyên ngành; quan điểm quản trị tài nguyên nước theo hệ thống, phát triển kinh tế nước, xã hội hóa ngành nước; phát triển, bảo vệ tài nguyên nước, phòng chống tác hại do nước gây ra;…
 

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng có những ý kiến đóng góp cụ thể đối với các chính sách của nhà nước về tài nguyên nước như quy định tại Điều 6 của dự án Luật; hành vi bị nghiêm cấm (Điều 12); Điều tra cơ bản, chiến lược, quy hoạch tài nguyên nước (Chương II); bảo vệ tài nguyên nước (Chương III); điều hòa, phân phối và khai thác, sử dụng tài nguyên nước (Chương IV); phòng, chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra (Chương V); công cụ kinh tế, chính sách và nguồn lực cho tài nguyên nước; trách nhiệm quản lý nhà nước về tài nguyên nước;…
 

Đề cập về bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Trần Thị Kim Nhung đề nghị rà soát kỹ các quy định của dự án Luật này với các luật có quan, xử lý ngay các “quy định khác nhau” để tránh làm tiếp tục nảy sinh các liên xung đột trong quản lý nhà nước và trong áp dụng pháp luật, bảo đảm phù hợp với nguyên tắc áp dụng pháp luật đã quy định trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Trường hợp đặc thù cần có quy định riêng thì quy định ngay tại điều, khoản đó và nói rõ không áp dụng quy định của luật cụ thể có liên quan mà áp dụng quy định của Luật này.
 

Ông Vũ Ngọc Hưng- Trưởng phòng Bảo vệ môi trường, Cục An toàn môi trường (Bộ Công Thương) cho rằng, cần rà soát toàn bộ các quy định để đảm bảo tính thống nhất từ giai đoạn chuẩn bị đầu tư, thực hiện đầu tư (pháp luật đầu tư, môi trường, xây dựng, tài nguyên nước, cấp thoát nước).
 

Trong khuôn khổ Hội nghị, các đại biểu, đại diện các Bộ ngành cũng đóng cũng có những ý kiến đóng góp cụ thể đối với các chính sách của nhà nước về tài nguyên nước như quy định tại Điều 6 của dự án Luật; hành vi bị nghiêm cấm (Điều 12); Điều tra cơ bản, chiến lược, quy hoạch tài nguyên nước (Chương II); bảo vệ tài nguyên nước (Chương III); điều hòa, phân phối và khai thác, sử dụng tài nguyên nước (Chương IV); phòng, chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra (Chương V); công cụ kinh tế, chính sách và nguồn lực cho tài nguyên nước; trách nhiệm quản lý nhà nước về tài nguyên nước; cách tính thuế đối với một số loại nước…



Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy đánh giá cao ý kiến của đại biểu Quốc hội và nhấn mạnh về tính đồng bộ, thống nhất và tính khả thi cao của Luật Tài nguyên nước (sửa đổi).
 

Phát biểu tại Hội nghị, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy đánh giá cao các ý kiến đóng góp của các đại biểu Quốc hội, đại diện lãnh đạo các Bộ ngành đối với việc dự thảo Luật Tài nguyên nước.
 

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy, tất cả cả những ý kiến, đề xuất của các đại biểu đều rất tâm huyết, sâu sắc và bao quát các nội dung, vấn đề của dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi). Để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất và tính khả thi cao của Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy đề nghị Thường trực Ủy ban và các Bộ ngành liên quan nghiên cứu, tiếp thu tối đa các ý kiến, đề xuất, sự đóng góp của các đại biểu. Trên cơ sở các Hội thảo, Hội nghị lấy ý kiến về dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) đã được tổ chức, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường và các Bộ ngành liên quan tiếp tục bổ sung, chỉnh lý, hoàn thiện Báo cáo thẩm tra sơ bộ về dự án Luật này để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến./.

Nguồn https://monre.gov.vn/


Bản in