SỐ LƯỢT TRUY CẬP

0
2
5
1
2
1
5

SỐ LƯỢT ĐANG ONLINE

0
0
0
0
0
0
2
Liên kết web
Đẩy mạnh các hoạt động phục vụ học tập suốt đời trong thư viện, bảo tàng, trung tâm văn hóa đến năm 2030

Ngày 21/3/2023 UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 169/KH-UBND để triển khai Chương trình "Đẩy mạnh các hoạt động phục vụ học tập suốt đời trong thư viện, bảo tàng, trung tâm văn hóa đến năm 2030” trên địa bàn tỉnh". Cụ thể

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Tiếp tục đổi mới và đẩy mạnh nâng cao chất lượng các hoạt động giáo dục, học tập, phục vụ học tập trong các thư viện, bảo tàng, trung tâm văn hóa phù hợp từng đối tượng nhằm tạo điều kiện thuận lợi và cung cấp nhiều cơ hội cho các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là nhân dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được học tập thường xuyên, từ đó khuyến khích nhu cầu, thói quen học tập suốt đời, góp phần nâng cao trình độ dân trí, năng lực sáng tạo, kỹ năng lao động, cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống.

2. Mục tiêu cụ thể đến năm 2030

a) Đối với hệ thống thư viện

- Phấn đấu thư viện tỉnh Đắk Nông đạt 60% (năm 2025) và đạt 80% (năm 2030); cấp huyện đạt 50% (năm 2025) và đạt 70% (năm 2030); cấp xã đạt 55% (năm 2025) và đạt 65% (năm 2030);  thư viện chuyên ngành, thư viện lực lượng vũ trang đạt 60% (năm 2025) và đạt 80% (năm 2030); thư viện cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và cơ sở giáo dục khác đạt 60% (năm 2025) và đạt 80% (năm 2030) có cung cấp dịch vụ phục vụ việc học tập suốt đời cho người sử dụng thư viện, ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong quản lý, tổ chức hoạt động phục vụ việc học tập suốt đời cho người sử dụng thư viện.

- Phấn đấu năm 2025, số lượt người sử dụng thư viện phục vụ nhu cầu học tập, tìm kiếm thông tin, nâng cao hiểu biết tăng bình quân 5% mỗi năm. Đến năm 2030, tăng bình quân 5 – 10% mỗi năm.

b) Đối với hệ thống bảo tàng

- Phấn đấu bảo tàng tỉnh Đắk Nông đạt 60% (năm 2025) và đạt 80% (năm 2030) xây dựng và triển khai chương trình giáo dục lịch sử, văn hóa, khoa học, nghệ thuật cho mọi người dân, chú trọng đối tượng học sinh, sinh viên gắn với khung kiến thức, kỹ năng sống phù hợp và ứng dụng giới thiệu trưng bày các chuyên đề trên không gian số.

- Phấn đấu năm 2025 số lượt khách tham quan chọn bảo tàng để nghiên cứu, học tập tăng bình quân 5% mỗi năm. Đến năm 2030, tăng bình quân 5 - 10% mỗi năm. Thu hút số lượt khách tham quan, đặc biệt khuyến khích đối tượng học sinh, sinh viên đến tham quan, học tập, nghiên cứu.

- Tổ chức ký kết với ngành Giáo dục và Đào tạo để tổ chức các hoạt động học tập về lịch sử, văn hóa địa phương tại Bảo tàng tỉnh Đắk Nông; đưa các nội dung trên vào chương trình học tập ngoại khóa của các trường, cơ sở đào tạo, trung tâm học tập cộng đồng trên địa bàn tỉnh.

- Hàng năm tổ chức các lớp tập huấn bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ về công tác quản lý, sưu tầm, thuyết trình… cho cán bộ tại Bảo tàng tỉnh, các khu di tích lịch sử, khu danh lam thắng cảnh trên địa bàn toàn tỉnh.

- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến quảng bá các loại hình di sản văn hoá qua website và trên các phương tiện thông tin đại chúng như phát thanh - truyền hình, báo chí của địa phương và cả nước các tài liệu, phóng sự, bài viết giới thiệu về di sản địa phương, hiện vật, nhân chứng lịch sử; treo băng rôn, khẩu hiệu tuyên truyền tại Bảo tàng tỉnh Đắk Nông vào các dịp lễ, kỷ niệm lớn của đất nước và của địa phương.

- Tổ chức các lớp tập huấn, tham quan, học tập kiến thức, kỹ năng tổ chức các hoạt động học tập suốt đời cho cán bộ Bảo tàng tỉnh.

c) Đối với hệ thống trung tâm văn hóa-thể thao và truyền thông các cấp

- Phấn đấu Trung tâm Văn hóa và Điện ảnh tỉnh Đắk Nông đạt 60% (năm 2025) và đạt 80% (năm 2030); Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thông cấp huyện, thành phố đạt 50% (năm 2025) và đạt 70% (năm 2030) tổ chức, hỗ trợ nhu cầu hoạt động sáng tạo và hưởng thụ văn hóa nghệ thuật, thể dục thể thao, du lịch phù hợp với từng nhóm lứa tuổi, sở thích.

- Phấn đấu Trung tâm Văn hóa - Thể thao cấp xã đạt 50% (năm 2025) và đạt 70% ( năm 2030) có lớp năng khiếu, câu lạc bộ, nhóm sở thích, thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao thu hút người dân đến tham gia sinh hoạt phục vụ việc đẩy mạnh học tập suốt đời.

- Phấn đấu đến năm 2030: 8/8 huyện, thành phố có Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thông huyện với các hạng mục: nhà thi đấu đa năng, nhà Thiếu nhi phục vụ các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao tại địa phương.

- Phấn đấu đến năm 2030 đạt 95% xã có Trung tâm Văn hóa - Thể thao xã; 90% thôn, bon, buôn, bản, tổ dân phố có Nhà văn hóa - Khu thể thao thôn được đầu tư các trang thiết bị (hệ thống âm thanh, ánh sáng, bàn ghế…) để tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, học tập, vui chơi, giải trí… tại địa phương.

- Các thiết chế văn hóa thể thao thường xuyên tổ chức các hoạt động tuyên truyền, văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, vui chơi giải trí phục vụ mục đích học tập, nâng cao đời sống tinh thần, rèn luyện thể chất cho nhân dân.

- Thu hút 50% số dân vùng đô thị và 40% số dân vùng nông thôn tham gia các hoạt động phục vụ cho mục đích học tập, nghiên cứu, nâng cao kiến thức trong các thiết chế văn hóa, thể thao.

II. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP

1. Củng cố cơ sở hạ tầng, mạng lưới thư viện, bảo tàng, trung tâm văn hóa; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số, hiện đại hóa phương thức tổ chức các hoạt động, dịch vụ phục vụ học tập suốt đời phù hợp với đối tượng ở từng vùng, miền, địa phương.

a) Đối với hệ thống thư viện

- Xây dựng, hoàn thiện cơ sở vật chất, bảo đảm trang thiết bị, tài liệu cho hệ thống thư viện công cộng phục vụ hoạt động học tập, nghiên cứu của các tầng lớp nhân dân.

- Đầu tư xây dựng website thư viện điện tử tại thư viện tỉnh, thư viện cấp huyện trên địa bàn tỉnh. Tăng cường thời gian mở cửa phục vụ nhân dân ngoài giờ hành chính và thứ 7, chủ nhật hàng tuần.

- Hàng năm, bổ sung sách, báo, tài liệu cho hệ thống thư viện công cộng để phục vụ nhân dân.

- Đổi mới phương thức hoạt động theo hướng tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chú trọng xây dựng nguồn lực thông tin điện tử, xây dựng tài liệu phù hợp với nhu cầu học tập của nhân dân đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn.

- Tăng cường công tác phục vụ lưu động, luân chuyển sách, báo giữa các thư viện; luân chuyển sách, báo đến các trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, các Đồn Biên phòng trên địa bàn tỉnh.

- Hằng năm tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Sách Việt Nam (21/4), Ngày Sách và Bản quyền Thế Giới (23/4) như: trưng bày sách hay, sách đẹp, phục vụ đọc sách miễn phí, hội thảo, tọa đàm nói chuyện chuyên đề về sách; tổ chức cuộc thi “Kể chuyện sách hè”, “Cán bộ thư viện giỏi tỉnh Đăk Nông”; tổ chức “Hội báo Xuân”; tổ chức triển lãm sách… nhằm đáp ứng nhu cầu đọc sách, báo của độc giả…

- Đối với hệ thống thư viện thuộc ngành Giáo dục và Đào tạo, hàng năm tổ chức các hoạt động như: ngày hội đọc sách theo chủ đề; phát động phong trào đọc sách trong các thư viện nhà trường; tổ chức các câu lạc bộ về sách với các hoạt động ngoại khóa; phát động, tổ chức các phong trào, chương trình thu gom sách, ủng hộ sách, vở hỗ trợ cho các trường học vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn; tổ chức các buổi ngoại khóa theo từng chuyên đề phù hợp với từng lứa tuổi học sinh.

b) Đối với hệ thống bảo tàng

- Đầu tư xây dựng, hoàn thiện cơ sở vật chất cho hệ thống Bảo tàng; phát huy hiệu quả ngân hàng dữ liệu di sản văn hóa từ chương trình số hóa về di sản văn hóa vào các hoạt động giáo dục, học tập suốt đời tại Bảo tàng.

- Xây dựng, hoàn thiện cơ sở vật chất, bảo đảm trang thiết bị cho Bảo tàng tỉnh để tổ chức các hoạt động phục vụ nhân dân tham quan, học tập.

- Hiện đại hóa phương thức, nội dung hoạt động của Bảo tàng tỉnh, gắn di sản văn hóa với giáo dục học đường; tổ chức các hoạt động học tập phù hợp với từng đối tượng, từng địa phương nhằm giáo dục về giá trị của di sản văn hóa, hiện vật lịch sử, đưa nội dung học tập lịch sử địa phương vào chương trình học tập ngoại khóa của trường học, các cơ quan, đoàn thể, thanh thiếu nhi.

- Khuyến khích và tôn vinh các tổ chức, cá nhân tham gia ủng hộ các chương trình giáo dục trong Bảo tàng tỉnh.

- Tổ chức tốt các hoạt động giới thiệu các di tích, hiện vật lịch sử, di sản văn hóa… (thi vấn đáp hoặc thi viết, tìm hiểu, kể chuyện về di tích, các nhân vật lịch sử, hiện vật lịch sử trưng bày tại Bảo tàng tỉnh…) nhằm thu hút nhân dân, đặc biệt là các em học sinh tham gia. Thường xuyên bổ sung các hiện vật trưng bày tại Bảo tàng tỉnh.

- Hăng năm, tổ chức các hoạt động giới thiệu di sản văn hóa nhân ngày Quốc tế Bảo tàng (18/5) và ngày Di sản văn hóa (23/11), các ngày lễ lớn của tỉnh và đất nước.

- Tích cực sưu tầm các bộ sưu tập hiện vật văn hóa, lịch sử, ảnh, tài liệu…  để trưng bày, đón khách đến tham quan học tập tại Bảo tàng tỉnh, trưng bày, triển lãm lưu động trong và ngoài tỉnh gắn liền với các sự kiện lịch sử, văn hóa tại các di tích, danh thắng.

- Nghiên cứu, sưu tầm tư liệu, biên soạn và xuất bản sách giới thiệu về di  tích, danh lam, thắng cảnh, hiện vật.

c) Đối với hệ thống trung tâm văn hóa, thể thao các cấp

- Từng bước xây dựng, hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hoá, thể thao từ cấp tỉnh đến cơ sở đặc biệt là Trung tâm Văn hóa - Thể thao xã và Nhà Văn hóa - Khu Thể thao thôn theo hướng chuẩn hóa về mô hình tổ chức, cơ sở vật chất, trang thiết bị… theo quy định.

- Thường xuyên khảo sát, đánh giá thực trạng, hiệu quả hoạt động hệ thống thiết chế văn hóa, câu lạc bộ từ tỉnh đến cơ sở, nắm bắt những thuận lợi, khó khăn, tổ chức rút kinh nghiệm và nhân rộng những mô hình tiêu biểu nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động.

- Tổ chức các lớp tập huấn chăm sóc cây trồng, vật nuôi, làm kinh tế; các lớp năng khiếu, bồi dưỡng kỹ năng; các hội thi, hội diễn, liên hoan, hội thao… tại các nhà văn hóa; thành lập và duy trì các câu lạc bộ theo sở thích, năng khiếu… nhằm thu hút các tầng lớp nhân dân đến giao lưu, học tập, tạo không khí vui tươi, phấn khởi, khơi dậy tinh thần hăng say lao động sáng tạo, tham gia các phong trào thi đua yêu nước, xóa đói giảm nghèo của các tầng lớp nhân dân tại địa phương, đồng thời góp phần phát hiện những tài năng, năng khiếu trong các lĩnh vực nhằm xây dựng lực lượng nòng cốt trong việc tổ chức và tham gia các hoạt động, sự kiện của địa phương.

- Tăng thời gian tổ chức và nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động của nhà văn hóa, câu lạc bộ, đội tuyên truyền lưu động; xây dựng và tổ chức các loại hình câu lạc bộ theo sở thích, phù hợp với từng đối tượng.

2. Phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong thư viện, bảo tàng, trung tâm văn hóa phục vụ nhu cầu học tập suốt đời của người dân đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số.

- Tổ chức đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng kiến thức, hoàn thiện năng lực cung ứng các sản phẩm và dịch vụ phục vụ học tập suốt đời trong bối cảnh chuyển đổi số.

- Hàng năm tổ chức các lớp tập huấn nâng cao kỹ năng tổ chức hoạt động học tập suốt đời, nâng cao kỹ năng thuyết minh,…

- Nâng cao ý thức về việc tự học, học tập thường xuyên của cán bộ quản lý, viên chức, công chức, người lao động làm việc trong các thư viện, bảo tàng, trung tâm văn hóa.

- Biên soạn, in ấn các tài liệu hướng dẫn, bồi dưỡng phương pháp, kỹ năng tổ chức các hoạt động phục vụ học tập suốt đời.

- Huy động nhân lực của cộng đồng tham gia tổ chức và triển khai các hoạt động học tập suốt đời tại các thư viện, bảo tàng, trung tâm văn hóa.

- Xây dựng kế hoạch tổ chức hoặc cử cán bộ, viên chức, cộng tác viên làm việc trong các thư viện, bảo tàng, trung tâm văn hóa tham gia các lớp tập huấn về chuyên môn nghiệp vụ, tham quan, học tập kiến thức, kỹ năng tổ chức các hoạt động học tập suốt đời, trao đổi kinh nghiệm nhằm nâng cao kiến thức, vai trò, trách nhiệm, năng lực tổ chức hoạt động học tập suốt đời trong các thiết chế.

- Khuyến khích, động viên cán bộ, viên chức, cộng tác viên làm việc trong các thiết chế văn hóa, thể thao nâng cao ý thức về tự học tập thường xuyên của chính bản thân để mỗi cá nhân thực sự trở thành người cung cấp, tư vấn, hướng dẫn tìm kiếm và sử dụng thông tin, tri thức một cách phù hợp, đáp ứng nhu cầu học tập của mọi tầng lớp nhân dân.

3. Tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức về học tập suốt đời trong thư viện, bảo tàng, trung tâm văn hóa.

- Đẩy mạnh tuyên truyền, đa dạng hóa hình thức truyền thông trên nền tảng công nghệ số, nâng cao nhận thức, chuyển đổi tư duy, tăng cường trách nhiệm của các cấp, các ngành và của người dân.

- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến quảng bá các loại hình di sản văn hoá qua website và trên các phương tiện thông tin đại chúng như phát thanh - truyền hình, báo chí của địa phương và cả nước các tài liệu, phóng sự, bài viết giới thiệu về di sản địa phương, hiện vật, nhân chứng lịch sử; treo băng rôn, khẩu hiệu tuyên truyền tại Bảo tàng tỉnh vào các dịp lễ, kỷ niệm lớn của đất nước và của địa phương.

- Tuyên truyền, tổ chức có hiệu quả các hoạt động học tập suốt đời gắn với Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời, Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam - 21/4, Ngày Di sản văn hóa Việt Nam - 23/11, tổ chức các cuộc thi (thi vấn đáp hoặc thi viết) tìm hiểu về các nhân vật lịch sử, hiện vật trưng bày và các ngày lễ, ngày kỷ niệm của đất nước và địa phương.

- Tổ chức chiến dịch truyền thông, phát động phong trào, cuộc vận động thúc đẩy hoạt động học tập suốt đời trong các thư viện, bảo tàng, trung tâm văn hóa và gắn kết chặt chẽ với các phong trào xây dựng mô hình công dân học tập, cuộc vận động xây dựng xã hội học tập.

- Biểu dương, tôn vinh, khen thưởng các tập thể và cá nhân điển hình, nhân rộng mô hình tốt, các cách làm hay, sáng tạo trong hoạt động phục vụ học tập suốt đời tại các thư viện, bảo tàng, trung tâm văn hóa.

- Tăng cường công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, mở chuyên trang, chuyên mục, xây dựng phóng sự chuyên đề về học tập suốt đời, tuyên truyền cổ động trực quan, pano, áp phích, băng rôn, khẩu hiệu, xe loa cổ động… nhằm nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của người dân trong việc học tập thường xuyên, từ đó hình thành thói quen tự học.

- Tuyên truyền về vị trí, vai trò của thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa, câu lạc bộ trong việc học tập suốt đời của người dân, từ đó khuyến khích nhân dân, cộng đồng tham gia hưởng ứng các hoạt động giáo dục, học tập, hỗ trợ học tập được tổ chức trong các thiết chế văn hóa, thể thao cũng như đóng góp về vật lực, nhân lực cho hoạt động này.

4. Tăng cường quan hệ hợp tác và đẩy mạnh công tác xã hội hóa

- Tăng cường giao lưu, học hỏi kinh nghiệm về hoạt động của các thư viện, bảo tàng, trung tâm văn hóa trong và ngoài tỉnh; nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, áp dụng vào thực tế của địa phương trong thực hiện nhiệm vụ.

- Huy động các nguồn lực hỗ trợ hợp pháp, tranh thủ sự hỗ trợ về tài chính, kỹ thuật của các tổ chức, cá nhân để triển khai thực hiện Kế hoạch này.


Bản in